Hệ điều hành nhận biết SSD theo cách tương tự HDD, nhưng chúng làm việc khác nhau. Vì vậy, bạn nên biết những gì nên và không nên làm.
1. Đừng chống phân mảnh (defragment)
Bạn không nên chống phân mảnh ổ SSD. Các sector lưu trữ trên SSD có một số hạn chế về ghi dữ liệu – số lần ghi thường ít hơn trên HDD – mà chống phân mảnh sẽ dẫn đến ghi dữ liệu nhiều hơn (vì nó dồn các tập tin có trên đĩa lại gần nhau).
Hơn nữa, bạn sẽ không thấy bất kỳ sự cải thiện tốc độ nào từ việc chống phân mảnh. Trên HDD, chống phân mảnh có lợi bởi vì đầu đọc của ổ đĩa phải di chuyển trên đĩa từ để đọc dữ liệu. Nếu dữ liệu của một tập tin dàn trải khắp ổ đĩa, đầu đọc sẽ phải di chuyển nhiều để đọc tất cả các mảnh nhỏ của tập tin, làm tốn nhiều thời gian hơn so với đọc dữ liệu từ một nơi duy nhất trên ổ đĩa. Trên SSD thì không có chuyển động cơ học, do đó nó có thể đọc được dữ liệu nằm ở bất kỳ sector nào trên vùng nhớ với tốc độ như nhau. SSD được thiết kế để dàn đều dữ liệu lên vùng nhớ chứ không phải là một khu vực như HDD.
2. Không phải xóa vĩnh viễn
Trên các hệ điều hành hỗ trợ TRIM – Windows 7 (hoặc mới hơn), Mac OS X 10.6.8 (hoặc mới hơn), hoặc Linux với nhân Linux từ 2.6.28 trở về sau, khi xóa tập tin thì nó bị xóa vĩnh viễn ngay (chứ không phải chỉ được đánh dấu là bị xóa, nhưng nếu chưa bị ghi đè, dữ liệu vẫn có thể được phục hồi như HDD). Khi bạn xóa tập tin, hệ điều hành thông báo cho SSD là tập tin đã bị xóa với lệnh TRIM, và các sector của nó bị xóa ngay lập tức. Dữ liệu sẽ “biến mất” và không thể phục hồi.
Một số ổ SSD đời đầu không hỗ trợ TRIM. Tuy nhiên, TRIM đã được bổ sung ngay sau khi ổ SSD tung ra thị trường vì vậy 99% khả năng là bạn đang có ổ SSD hỗ trợ TRIM .
3. Đừng sử dụng Windows XP, Vista , hoặc vô hiệu hoá TRIM
Nếu máy tính đang dùng ổ SSD, bạn nên cài một hệ điều hành hiện đại cho nó. Cụ thể, không nên sử dụng Windows XP hoặc Vista vì cả 2 hệ điều hành cũ này đều không hỗ trợ lệnh TRIM. Khi bạn xóa một tập tin trên ổ SSD, hệ điều hành không thể gửi lệnh TRIM cho ổ đĩa, do đó dữ liệu của tập tin vẫn sẽ được giữ trong các sector.
Ngoài việc cho phép phục hồi dữ liệu cá nhân, điều này còn làm chậm nhiều thứ lại. Khi hệ điều hành cố ghi một tập tin mới vào không gian trống, đầu tiên các sector phải được xóa hoàn toàn rồi mới ghi vào, do đó sẽ tốn nhiều thời gian và làm chậm hiệu suất ghi của ổ đĩa.
Đây cũng là lý do tại sao bạn không nên vô hiệu hóa TRIM trên Windows 7 và các hệ điều hành hiện đại khác. Nó nên được kích hoạt theo mặc định.
4. Đừng dùng hết dung lượng
Bạn nên để lại một khoảng không gian trống trên ổ SSD của mình, nếu không hiệu suất ghi sẽ chậm lại đáng kể.
Website Anandtech khuyên bạn “chỉ nên sử dụng khoảng 75% dung lượng của nó nếu bạn muốn có một sự cân bằng tốt giữa hiệu năng và dung lượng”. Nói cách khác, chỉ sử dụng tối đa 75% không gian trống của ổ đĩa và bạn sẽ duy trì được hiệu suất lý tưởng. Bạn sẽ thấy hiệu suất ghi bắt đầu chậm lại khi bạn đi quá mức đó.
5. Đừng ghi dữ liệu liên tục
Để tăng tuổi thọ cho SSD, bạn nên cố gắng giảm thiểu việc ghi dữ liệu lên ổ đĩa càng nhiều càng tốt. Ví dụ, bạn có thể làm điều này bằng cách tinh chỉnh các cài đặt trong chương trình của mình, để chúng ghi các tập tin tạm vào nơi khác, chẳng hạn như vào HDD (nếu trong máy tính của bạn có HDD).
6. Đừng lưu các tập tin lớn, không thường xuyên truy cập
SSD thường có dung lượng nhỏ hơn, mỗi gigabyte đắt tiền hơn nhiều so với HDD. Tuy nhiên, chúng có ưu điểm là tiêu thụ ít điện năng, ít tiếng ồn, và tốc độ cao.
Dữ liệu lý tưởng để lưu trên ổ SSD bao gồm các tập tin hệ điều hành, chương trình, game, và những tập tin cần phải được truy cập nhanh, thường xuyên. Vì thế, đừng lưu bộ sưu tập đa phương tiện (phim, ảnh, nhạc…) trên ổ SSD, bởi lúc này, tốc độ truy xuất là không cần thiết và chúng sẽ chiếm dụng nhiều không gian lưu trữ. Bạn nên lưu trữ những bộ sưu tập đa phương tiện này trên HDD hoặc ổ đĩa di động.
Các bài viết khác