Như đã nói ở bài viết trước về phương pháp tăng tốc đồ họa cho card đồ họa “onboard”, trong phần 2 này chúng tôi tiếp tục giới thiệu với các bạn cách tăng tốc cho card đồ họa “rời”.
2/ Card đồ họa “rời”
Nhắc đến card đồ họa rời chúng ta không thể không nhắc đến khả năng trình diễn đồ họa vượt trội so với card đồ họa onboard. Vậy card đồ họa rời là gì?
Card đồ họa rời là card đồ họa độc lập, liên kết với hệ thống để “trình diễn” hình ảnh thông qua các khe cắm tích hợp trên mainboard như khe cắm mở rộng PCI Express, VGA, PCI (đời cũ). Hiệu năng của card đồ họa rời vượt xa hơn card đồ họa onboard và có thể “nâng cấp” khá dễ dàng. Tuy nhiên, nếu chúng ta xét tới card đồ họa rời cho laptop thì chúng ta nên để ý rằng có đến 2 loại card đồ họa rời cho laptop:
- Một loại là card đồ họa rời được tích hợp (hàn chết) vào mainboard (không phải loại card đồ họa “onboard” như đã nói ở phần trước). Không như card onboard thực sự được tích hợp trên chipset cầu Bắc của mainboard hoặc trong CPU, card đồ họa rời tuy mang tiếng là “rời” nhưng đa số các dòng laptop hàn dính card này vào mainboard nên sẽ không thay thế hay nâng cấp được. Mục đích là để sản xuất các dòng laptop siêu mỏng, siêu nhẹ, tiết kiệm tối đa không gian bên trong laptop.
- Một loại sử dụng khe cắm mở rộng PCI Express giống như các dòng máy tính để bàn (desktop): thường sẽ xuất hiện trên các dòng laptop Workstation hay Gaming, các card này được trang bị đúng nghĩa “card rời” nên chúng ta có thể thay thế card được (giúp bạn nâng cấp hiệu năng chơi game hoặc phục vụ tốt công tác đồ họa nói chung và đồ họa chuyên nghiệp nói riêng). Vì thế, để biết laptop bạn có khả năng nâng cấp card đồ họa hay không bạn nên lên Google tìm kiếm hoặc vào trang web của chính hãng laptop mà bạn đang sở hữu để được hỗ trợ và tư vấn chính xác nhất.
Hiện nay ở Việt Nam, hai hãng sản xuất chip card màn hình (card đồ họa) được nhắc đến nhiều nhất là ATI và NVIDIA. Để tăng tốc cho các card đồ họa này bạn cũng tinh chỉnh cấu hình phần mềm tương tự như card đồ họa onboard:
a/ Cài đặt driver mới nhất, tinh chỉnh cấu hình:
Tải về và cài đặt các trình điều khiển mới nhất cho card video của bạn. Các phiên bản driver càng mới thì khả năng mang tới các cải tiến về hiệu năng càng cao (sự khác biệt có thể lên tới 30%) và sửa lỗi cho cả các game cũ và mới. Nhìn chung, trong tất cả các loại driver, driver cho card đồ họa là loại driver duy nhất mà bạn nên cập nhật thường xuyên.
Các nhà sản xuất bao gồm cả NVIDIA và ATI thường xuyên xuất bản cập nhật trình điều khiển làm tăng hiệu suất và sửa chữa vấn đề tương thích với hệ thống mới và phần mềm mới. Phần mềm điều khiển của NVIDIA (NVIDIA Control Panel), ATI/AMD (AMD Catalyst Control Center) cũng cho phép bạn tinh chỉnh các thiết lập video như chống “răng cưa” (bị vỡ hình), độ phân giải, tùy chọn 3D và tốc độ refresh (làm tươi hình ảnh).
*** NVIDIA Control Panel:
Nếu bạn muốn cấu hình chung cho tất cả các game bạn có thể chuột phải vào biểu tượng NVIDIA ở góc bên phải thanh taskbar và mở giao diện Nvidia Control Panel, chọn tùy chọn ”Adjust image settings with preview“. Nếu laptop của bạn thuộc đời cũ, hãy lựa chọn ”Use my preference emphasizing“, sau đó kéo toàn bộ thanh chọn về Performance (hiệu năng) để tăng hiệu suất đồ họa mà không phải quan tâm nhiều đến chất lượng hình. Ngược lại, nếu máy bạn đủ mạnh mẽ và bạn muốn chất lượng đồ họa cao, hãy kéo thanh chọn về Quality.
Ngoài ra, Nvidia cũng cung cấp cho bạn cấu hình 3D tốt nhất để bạn có thể cấu hình cho từng game, tinh chỉnh các cài đặt theo ý mình. Bạn chọn mục “Use the advanced 3D image settings“, sau đó chọn Take me there.
Bạn chọn mục “Use the advanced 3D image settings”, sau đó chọn Take me there
Trong mục này, bạn có thể điều chỉnh các tính năng cho toàn bộ các ứng dụng/game trên Windows (mụcGlobal Settings) hoặc cho từng game một (mục Program Settings). (Ví dụ ở đây: Bạn chọn mục Program Settings).
Bạn có thể chọn một chương trình game trong mục “1. Select a program to customize” và sau đó chọn tùy chọn đồ họa cho chương trình đó ở mục “2. Select the preferred graphic processor for this program“. Trong mỗi lựa chọn đồ họa cho chương trình, NVIDIA đều giải thích cho bạn nghĩa của từng lựa chọn để bạn có lựa chọn phù hợp nhất.
*** ATI/AMD Catalyst Control Center:
Ở màn hình desktop, bạn nhấn chuột phải chọn Catalyst Control Center.
Trong mục “Gaming“, bạn chọn “Gaming Performance“. Bạn chọn tiếp “Standard 3D Settings” và tùy chỉnh thanh trượt Performace hoặc Quality để tăng tốc độ đồ họa game hoặc tăng chất lượng hình ảnh game.
Nếu bạn muốn tùy chỉnh, bạn chọn “Preference” ở góc trên bên phải giao diện chính, chọn “Advanced View“. Tiếp theo, bạn chọn mục “Gaming” bên trái rồi chọn “3D Application Settings“ để thay đổi các tùy chọn đồ họa theo ý bạn.
Mục System Settings cho phép bạn lựa chọn các cài đặt cho tất cả các game trên hệ thống.
Mục Application Settings cho phép bạn tùy chỉnh từng ứng dụng/game: bạn có thể nhấn nút Add và tìm tới file thực thi (.exe) của game để lựa chọn tùy chỉnh cho game đó.
b/ Ép xung cho card đồ họa:
Cả hai dòng NVIDIA và ATI/AMD đều có những công cụ ép xung riêng biệt nhưng khi bạn quyết định ép xung cho card đồ họa thì bạn phải chú ý đến 2 yếu tố đó là xung nhịp vi xử lý GPU và xung nhịp của bộ nhớ.
Điều này rất quan trọng vì nếu bạn ép xung tăng quá khả năng hoạt động của chip sẽ gây hư hại và lúc này máy tính của bạn không còn được bảo hành và sửa chữa. Xung nhịp tối đa bạn có thể điều chỉnh ở mức an toàn là 5 ~10%, tối đa có thể tăng 20%, và lưu ý tăng mỗi lần một vài % để bạn quan sát nhiệt độ có tăng quá đột ngột hay không?
Ép xung card đồ họa bằng AMD Overdrive
Sau khi bạn tùy chỉnh xong xung nhịp của GPU và bộ nhớ, bạn chọn Test Custom Clocks. Nếu bạn vẫn thấy hệ thống hoạt động ổn định thì bạn tiếp tục tăng từ từ xung nhịp để đạt được khả năng ép xung cao nhất.
Lựa chọn Auto-Tune sẽ cho bạn cảm giác card đồ họa đã được ép xung nhưng vẫn hoạt động ở chế độ an toàn do chương trình tự động tùy chỉnh sao cho hợp lý.
Đôi khi việc ép xung của bạn vượt quá giới hạn của card đồ họa thì sẽ có hiện tượng bị “Dump” máy (xuất hiện “màn hình xanh chết chóc” – Blue Screen of Death) xảy ra. Khi gặp hiện tượng này, bạn cũng đừng quá lo lắng vì sau khi khởi động lại máy tính, hệ thống sẽ tự điều chỉnh lại giá trị mặc định ban đầu đối với các card đồ họa đời mới. Nếu máy tính không hoạt động lại được thì bạn vào chế độ Safe Mode (khởi động máy tính và nhấn nút F8) để trả lại giá trị cũ cho card đồ họa.
Khi bạn ép xung bạn nên lưu ý vấn đề về nhiệt độ của GPU, nếu thấy vấn đề bất thường bạn phải ngưng lại và đặt lại giá trị tốt nhất trước đó. Sau đó, bạn tìm cho laptop mình một hệ thống tản nhiệt tốt hơn.
*** Các lưu ý khi ép xung:
- Thông thường việc ép xung được thực hiện trên các máy tính để bàn (desktop). Đối với dòng laptop, lời khuyên là chúng ta không nên ép xung (trừ những dòng Gaming mà theo nhà sản xuất là có hỗ trợ nâng cấp).
- Hầu hết các nhà sản xuất card màn hình đều hỗ trợ cho khách hàng một số phần mềm ép xung card đồ họa chính hãng. (Ví dụ: ATI cung cấp tiện ích Overdrive trong gói driver áp dụng cho các card màn hình sử dụng chip ATI. ASUS thì có iTracker dành cho các dòng Republic of Gamers và SmartDoctor cho các dòng khác. NVIDIA có phần mềm NVIDIA Inspector…)
- Sử dụng phần mềm Furmark, Benchmark (3D Mark), IntelBurnTest để kiểm tra tính ổn định của việc ép xung.
- Sử dụng phần mềm HD Monitor, SpeedFan để theo dõi nhiệt độ, tốc độ quạt của các khu vực trong máy tính. Và để theo dõi nhiệt độ chính xác hơn khi HDMonitor không làm thỏa mãn các bạn thì chúng ta có phần mềm Core Temp, Real Temp.
Các tin khác