Nếu bạn đổ công sức và tiền bạc vào xây dựng một hệ thống âm thanh để nghe cho "sướng" thì phải chọn hệ thống theo "gu" của mình
Nếu bạn đổ công sức và tiền bạc vào xây dựng một hệ thống âm thanh để nghe cho "sướng" thì phải chọn hệ thống theo "gu" của mình và đáp ứng được tốt nhất bốn thuộc tính cơ bản của âm nhạc, chứ không nên lăn tăn việc mua thiết bị nào để về sau bán lại dễ dàng.
Đầu CD dùng đèn cao cấp Prologue Classic của PrimaLuna (2.500 USD, khoảng 52 triệu đồng) có tốc độ đọc chính xác. Ảnh: Như Dũng. |
Hi-end là khái niệm chỉ cấp độ của những trang thiết bị âm thanh khi chúng đạt mức hoàn thiện trong xử lý tái tạo âm nhạc. Tuy nhiên, không có trang thiết bị nào hoàn hảo nên sẽ có vô vàn thứ gần hoàn thiện, tạo thành các cấp độ hi-end khác nhau. Trang thiết bị âm thanh ở các cấp khác nhau sẽ có giá khác nhau nhưng cùng một căn phòng, dàn âm thanh cao giá hơn chưa chắc đã hay hơn.
Một số thương hiệu rất có tiếng, thiết bị của họ hay nhưng nhiều khi không phải là nhất so với tầm giá hoặc so với sản phẩm của các hãng không nổi tiếng bằng. Sản phẩm của hãng không nổi tiếng chất lượng hay, giá không đắt nhưng lại có thể khó bán lại hơn khi người dùng muốn nâng cấp.
Đồ âm thanh bền lâu, dùng đúng, bảo quản tốt có thể được 50 năm hoặc hơn, đặc biệt là loa và đồ dùng đèn, linh kiện đơn giản, không khó thay. Trong khi, người nghe thường có xu hướng không thoả mãn với những gì đã đạt được, cộng khả năng nghe của họ ngày càng cao nên ít khi sử dụng một bộ âm thanh từ lúc mua mới đến khi tái chế. Thực tế, đa phần đồ âm thanh đều sẽ được “mua đi bán lại, sang tên đổi chủ” có thể không ít lần. Cho nên, việc mua một món đồ được cho là rất thoả đáng nếu trước hết, thoả mãn mục đích sử dụng của người mua nhưng sau đó vẫn có thể giúp chủ nhân dễ dàng bán lại.
Hiện nay, hầu như toàn bộ chuyện mua sắm hệ thống âm thanh của người dùng luẩn quẩn ở câu hỏi "món đồ tôi mua liệu sau này có bán lại được hay không?" cản trở nghiêm trọng đến việc mua để nghe cho đúng ý… Người quyết đoán thường dám chấp nhận lỗ lớn khi nâng cấp chỉ để được nghe nhạc theo sở thích trong thời gian sở hữu thiết bị, khác với những người mua sản phẩm “chờ ngày bán lại” cứ phải nghe theo ý của người khác.
Bộ pre-ampli đèn LS100 và power ampli KWA 100SE cao cấp của ModWright Instrument - một trong những sản phẩm hi-end "nổi bật, giá tốt" của năm 2012. Giá pre-ampli là 3.700 USD, khoảng 77 triệu đồng còn giá power ampli là 4.500 USD, khoảng 94 triệu đồng. Bộ đôi này hầu như không kén loa. Ảnh: Như Dũng. |
Nếu trang bị một hệ thống âm thanh để nghe cho "sướng", người nghe cần nắm vững bốn thuộc tính cơ bản của âm nhạc: cao độ, trường độ, cường độ, âm sắc. Mỗi nốt nhạc đều do vật phát âm rung động ở tần số nhất định tạo nên, giá trị tần số xác định cao độ của nốt nhạc, tần số cao thì nốt nhạc cao. Mỗi nốt nhạc đều có độ ngắn, dài (nhanh, chậm) khác nhau; trong một ô nhịp, sự luân phiên các nốt có độ dài khác nhau tạo nên tiết tấu. Ngoài ra, nó còn cường độ (to, nhỏ) mang lại ý nghĩa âm nhạc khác nhau. Và mỗi giọng người, nhạc cụ đều cho màu sắc âm thanh (âm sắc) khác. Âm sắc dùng để phân biệt giọng người, giọng đàn, giọng loa…
Người chơi phải lưu ý chọn được bộ dàn đáp ứng tốt nhất bốn thuộc tính cơ bản trên. Một đầu phát như mâm đĩa than hay đầu băng cassette chạy sai tốc độ sẽ cho cao độ sai, đầu quay chạy nhanh hơn chuẩn thì cho cao độ cao hơn chuẩn và ngược lại. Ngay cả đầu CD cũng có cái chạy nhanh hơn hay chạy chậm hơn tốc độ chuẩn. Người nghe có thể so nốt nhạc mà bộ dàn phát ra với thanh la hoặc đàn piano đã được lên dây chính xác để kiểm tra cao độ của đầu phát. Đáng nói là, nhiều thiết bị rất đắt (kể cả mới 100%) không áp dụng tinh chỉnh thủ công trong quá trình sử dụng (cố định tốc độ được cho là chuẩn) cũng có thể mắc lỗi sai tốc độ, nhất là khi điện nguồn có vấn đề.
Khi thấy thiết bị xử lý trường độ có vấn đề (nghe thấy bản nhạc chơi bị rối chẳng hạn) thì hoặc người chơi đã chơi sai hoặc là thiết bị sai. Những lỗi này rất khó bị sót vì quá trình thu thanh, biên tập và kiểm nghiệm sản phẩm đều rất khắt khe… Cho nên, có thể lỗi phát sinh từ quá trình sử dụng thiết bị. Cùng một loại nhạc, nếu được vặn to hơn, có thể sẽ nghe hay hơn nhưng cần nghe ở mức âm thanh chưa bị méo (chưa sai cao độ). Nghe ở mức bình thường mà thấy âm thanh không chuẩn là phải rất cảnh giác.
Về âm sắc, tốt nhất là chọn đôi loa, bộ dàn trung tính, không áp đặt âm sắc của mình lên “đầu ra”, chỉ thể hiện tốt nhất những gì được bản thu thanh cất giữ vì đây là điều kiện để có âm thanh trung thực, giống với tự nhiên. Tất cả giọng đàn, giọng người đều được giữ đúng như chúng vốn có và việc này phải diễn ra ở mọi cung bậc cao độ, trường độ (tiết tấu dù nhanh hay chậm đến đâu) và cường độ (to nhất, nhỏ nhất…). Để kiểm tra âm sắc, người ta thường sử dụng những bài diễn của dàn trống nhạc nhẹ thường rất đa dạng hoặc nghe lâu, nghe nhiều tác phẩm được thể hiện bằng các loại nhạc cụ, ca sĩ khác nhau.
Dòng loa Forest nổi tiếng của Totem Acoustics (4.000 USD, khoảng 84 triệu đồng một đôi). Ảnh: Totem Acoustics. |
Với trường hợp mua dàn âm thanh để nghe lâu dài, có 2 dạng người nghe: Nhóm thứ nhất là "sĩ diện", không thích mua đồ cũ - nhóm này luôn phải trả giá cao cho các món đồ và có thể phải chịu lỗ đến hai phần ba giá trị bộ dàn khi nâng cấp, trong khi việc nâng cấp gần như sẽ xảy ra với bất cứ người nghe nào, chỉ khác là sớm hay muộn. Nhóm thứ hai, ngân sách không cho phép mua đồ mới, phải tìm đồ đã qua sử dụng còn tốt nhưng không tiếp cận được chất âm đương đại mặc dù có thể mua rẻ tới cả chục lần so với mua mới. Trong mọi trường hợp, nhất là với người mua lần đầu, phải cảnh giác với các bộ dàn “nịnh tai”, thoạt nghe rất thích nhưng sau đó cũng rất chóng chán.
Không phải cứ đồ mới là hay hơn đồ cũ, nhưng mua đồ mới thì chắc chắn, có bảo hành và sẵn linh kiện thay thế, thời gian sử dụng cũng sẽ kéo dài hơn... Nhưng cũng có rất nhiều món đồ cũ rất hay, đạt mức "huyền thoại" khi được phối ghép trong đội hình lý tưởng. Người nghe giỏi thường có trình độ phối ghép cao, bất chấp mới cũ và luôn đạt hiệu quả âm thanh cao nhất. Họ cũng đủ năng lực tài chính để mua đồ mới cho bộ dàn của họ để vừa có chất âm đương đại đúng ý (luôn tiến bộ thực sự theo năm tháng) vừa có những chất âm vượt thời gian của trang thiết bị đã đạt đỉnh.
Bộ dây loa cũ Analysis Plus Oval Gold này cho chất âm rộng mở, ấm áp, chi tiết, lợi cả trầm, trung lẫn cao... Ảnh: Như Dũng. |
Nhiều người bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua dàn nhưng không có dây dẫn và phụ kiện tốt để nghe đúng khả năng của nó. Dây (dây nguồn, dây tín hiệu, dây loa) tiết diện nhỏ cho âm thanh chặt chẽ, dây tiết diện lớn cho âm thanh rộng mở. Chất liệu đồng hỗ trợ âm trầm, chất liệu bạc hỗ trợ âm cao. Có một số loại dây đắt tiền vận dụng chất liệu vàng hay tungsten đảm bảo chất âm óng ả, ấm áp và nổi ba chiều. Dùng dây đúng, người nghe hạn chế nhược điểm, cộng hưởng ưu điểm của từng loại thiết bị và cả bộ dàn. Dùng phụ kiện (biến áp cách ly và lọc điện) cung cấp điện sạch cho bộ dàn mang lại tác dụng cải thiện hiển nhiên, nhạc trở nên sạch, đẹp và chuẩn như thể đàn đã được lên dây kỹ càng hơn, ca sĩ đã được luyện thanh chu đáo hơn trước khi diễn tấu…
Như Dũng