• info@manhtu.com.vn
  • (083) 9350079 - Hotline: 0912 78 79 38
  • cuu du lieu cuu du lieu
Nhunh clip dan dung gay sot tren internet - Những clip dàn dựng gây sốt trên Internet

Thông tin công nghệ

Tháng 9/2012, hàng triệu người xem YouTube thán phục trước cảnh con lợn thông minh cứu dê khỏi..

Tháng 9/2012, hàng triệu người xem YouTube thán phục trước cảnh con lợn thông minh cứu dê khỏi chết đuối. Tuy nhiên, tác giả clip mới đây thừa nhận đó chỉ là hình ảnh sắp đặt.

Trong vòng vài giờ sau khi xuất hiện, video dài 30 giây về con lợn thông minh đã nhanh chóng được lan truyền qua Twitter, Facebook, xuất hiện trên các trang báo, trong đó có tạp chí uy tín Time hay các chương trình truyền hình danh tiếng của Mỹ từ Today và Nightly News của NBC, Good Morning America của ABC và Fox News.

Nhưng thực chất, video đó là sản phẩm dàn dựng cho chương trình Nathan for You của Comedy Central với sự tham gia của khoảng 20 người, bao gồm cả các chuyên gia dạy thú, thợ lặn...

Sau khi tạo clip, Nathan Fielder, ngôi sao của chương trình, đăng lên YouTube kèm chú thích ngắn gọn "lợn cứu dê đang mắc kẹt dưới nước". Sáng hôm sau, anh này thấy video được giới thiệu trên các trang Gawker và Reddit. Fielder tiếp tục nhận được lời xin phép đăng lại video từ tài khoản YouTube của các chương trình truyền hình. Anh đồng ý nhưng không cung cấp thêm thông tin gì.

Fielder cho biết anh không ngờ video lại thu hút đến như vậy, nhưng khẳng định cả nhóm không có ý định lừa dối. "Nếu muốn tạo một cú lừa trên báo chí, chúng tôi có thể đẩy mọi thứ đi xa hơn thế. Nhưng không, chúng tôi chỉ cảm thấy thú vị khi chứng kiến mọi người chia sẻ. Tôi hoàn toàn không thấy có gì sai khi đăng một video như thế lên YouTube", Fielder cho hay.

Vào tháng 12/2012, video Golden Eagle Snatches Kid ghi lại cảnh một con đại bàng sà xuống nhấc bổng đứa trẻ khỏi mặt đất ở Montreal (Canada) cũng gây xôn xao với lượng người xem đáng nể.

Tuy nhiên, các chuyên gia đồ họa đã tinh mắt nhận thấy sự vô lý trong một vài chi tiết của video. Sau đó, nhóm sinh viên là Normand Archambault, Loïc Mireault và Félix Marquis-Poulin thuộc lớp Cử nhân 3D của Trung tâm NAD đã thừa nhận clip chỉ là một bài thi của họ. Trong đó, con chim và cậu bé được tạo từ máy tính, còn cảnh công viên và hình ảnh ông bố vỗ về đứa trẻ là thật.

Nhưng dù sao, trước khi sự thật được phanh phui, clip này đã thu hút tới 33 triệu lượt xem chỉ sau vỏn vẹn một tuần

Trước đó, đầu năm 2012, kỹ sư người Hà Lan Jarno Smeets tung lên mạng hình ảnh anh đeo đôi cánh rộng bằng vải cùng gia tốc kế được làm từ các thiết bị quen thuộc với mọi người như smartphone, điều khiển game... Video tạo cơn sốt rất lớn trên Internet, chỉ trong 3 ngày đã thu hút hơn 3 triệu lượt xem và được hàng loạt báo nổi tiếng như Time, Wired... đăng tải.

Vài ngày sau, Smeets lên truyền hình Hà Lan nói tên thật của anh là Floris Kaayk và dự án Human Bird Wing chỉ là kết quả tạo từ chương trình đồ họa, được thực hiện "như một cuộc thử nghiệm về truyền thông trực tuyến". "Cậu ấy đúng là đã biết cách lừa chúng ta. Ai cũng muốn bay, phải không nào?", chuyên gia Bert Otten nhận xét.

Trăm nghe không bằng một thấy, nhưng những gì con người đang "thấy" mỗi ngày trên mạng đã khác xa so với thực tế. Mọi người vẫn được khuyến cáo nên cân nhắc kỹ trước khi tin hay phán xét bất cứ hình ảnh nào họ gặp trên Internet. Tuy nhiên, nếu không phải "dân trong nghề", người dùng Internet cũng khó mà phát hiện được dấu hiệu giả mạo trước sự tài tình của các chuyên gia đồ họa, trong khi các công cụ biên tập ảnh, video cũng đang ngày càng tinh xảo hơn.

Châu An