WD Black2 là ổ cứng kép 2,5 inch đầu tiên trên thế giới, giải quyết cùng lúc bài toán tốc độ và dung lượng cho máy tính xách tay.
Trong 2 năm trở lại đây, ổ SSD từng bước được người dùng Việt chấp nhận và tăng trưởng với tốc độ rất nhanh dù rằng giá thành vẫn còn cao. Không có gì đáng ngạc nhiên bởi hiệu quả SSD mang lại quá rõ rệt và có thể nhận biết bằng mắt thường ngay từ lần chạy đầu tiên. Khi hiệu năng hệ thống đã đủ nhu cầu, một chiếc ổ cứng thể rắn sẽ là thành phần quan trọng tiếp theo cần phải đầu tư. Do hạn chế về giá thành và dung lượng, phương án hợp lý nhất là kết hợp 1 ổ SSD dung lượng nhỏ để cài hệ điều hành và ứng dụng + HDD dung lượng lớn cho lưu trữ.
Đối với laptop, việc nâng cấp SSD không đơn giản như máy tính để bàn bởi giới hạn về số lượng ổ cứng hỗ trợ. Đa số máy tính xách tay hiện nay chỉ hỗ trợ 1 ổ cứng. Do nhu cầu lưu trữ, đa số người dùng đành phải ngậm ngùi sống chung với chiếc HDD 5400 rpm chậm rì. Kết quả là mặc cho CPU có là i5 hay i7, máy chậm vẫn hoàn chậm.
Ghi nhận nhu cầu của người dùng, hãng chuyên sản xuất ổ cứng WD đã nghiên cứu, phát triển và mới đây cho ra mắt dòng sản phẩm ổ đĩa kép WD Black2. Đây là loại ổ cứng kết hợp giữa 120 GB ổ đĩa thể rắn SSD và 1 TB ổ đĩa cơ HDD trong một ổ 2,5 inch, mang lại giải pháp lưu trữ kép cho người dùng: Vừa cho tốc độ cao nhờ SSD, vừa cho dung lượng lớn với HDD.
WD Black2 Dual Drive
Không giống các ổ cứng thông thường chỉ đựng trong bao ni-lông, là một sản phẩm đặc biệt WD Black2 tương đối cầu kì trong khâu hình thức bao bì.
Bên trong hộp, chiếc ổ được bọc bao ni-lông chống ẩm. Phụ kiện đi kèm ngoài sách hướng dẫn còn có thêm 2 món nữa khá hay ho: một cáp chuyển SATA – USB 3.0 để làm việc như một ổ cứng gắn ngoài; một chiếc USB hình dạng giống như chiếc chìa khóa (tác dụng của nó tôi sẽ trình bày ở phía dưới).
Với kích thước 2,5 inch và chiều dày 9,5 mm, WD Black2 không tương thích với các máy Ultrabook bởi chúng sử dụng ổ cứng chiều dày 7 mm. Chỉ có các Notebook và Macbook mới có thể sử dụng sản phẩm mới của WD làm ổ gắn trong.
Lật lưng của sản phẩm lên, nhìn WD Black2 không khác gì một chiếc HDD 2,5 inch thông thường, thể hiện rõ ràng qua phần phiến đĩa quay.
Thông số về dung lượng được ghi rõ ràng trên lưng ổ: 120 GB SSD và 1 TB HDD.
Ổ sử dụng giao tiếp SATA 6 Gbps.
Để ý kĩ có thể thấy WD Black2 được thiết kế thành 2 lớp tách rời, gắn cố định vào nhau bởi 3 con ốc. Phần phía dưới dày 7 mm một chiếc HDD với đầy đủ phiến đĩa, hoạt động ở tốc độ 5400 vòng/phút và 16 MB cache. Lớp trên dày 2,5 mm là nơi gắn bo mạch, chip nhớ và controller của SSD.
WD Black2 sử dụng controller JMF667H 4 kênh của JMicron, thiết kế dựa trên kiến trúc ARM9. JMicron từng là một cái tên lớn trong làng SSD vào thời điểm 2009. Tuy nhiên sau đó hãng không kịp đưa ra controller 6 Gbps để cung cấp cho thị trường nên dần bị các hãng sản xuất SSD quay lưng. Bởi vậy người dùng hiện nay biết đến 2 cái tên SandForce và Marvell nhiều hơn.
2 chip nhớ 20 nm MLC NAND không đề tên hãng sản xuất (nhiều khả năng là Toshiba hoặc SanDisk). WD trang bị một chip Nanya 128 MB DDR3-1600 để làm cache cho controller JMF667H nhằm cải thiện thời gian truy xuất và tốc độ.
Cài đặt và sử dụng
Ban đầu khi cắm ổ vào, máy chỉ phát hiện được phần dung lượng 120 GB SSD chứ không “nhìn thấy” 1 TB HDD. Đây chính là tác dụng của chiếc phụ kiện chìa khóa.
Cắm chìa khóa này vào máy qua cổng USB, giao diện cài đặt sẽ hiện ra. Sau khi hoàn tất các bước cài đặt phân vùng 1 TB HDD mới hiện lên, được định dạng sẵn NTFS. Nếu như sử dụng WD Black2 như một ổ gắn trong cho laptop, người dùng cần định dạng và cài đặt hệ điều hành lên phân vùng 120 GB SSD trước, sau đó cắm chìa khóa vào máy để có thể nhận 1 TB HDD.
Dung lượng thực của ổ là 111 GB SSD và 931 GB HDD.
Các thông số của ổ xem bằng Crystal DiskInfo:
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4
Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz
Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866
Card đồ họa: AMD R9 290X
Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
Nguồn: 660W
Tốc độ SSD khi ổ còn trống
Trước tiên tôi cắm WD Black2 vào hệ thống testbench đang sử dụng với ổ cài hệ điều hành là SSD Kingston HyperX 240 GB. Ổ còn trống, chưa có dữ liệu nào trong ổ.
Đầu tiên là Crystal DiskMark ở 2 chế độ random (truy xuất ngẫu nhiên) và 0x00 (liên tục). Ở cả 2 chế độ, tốc độ ghi nhận được đều là 442 MB/s đọc và 144 MB/s ghi. So với các ổ SSD thông thường, tốc độ ghi của WD Black2 thấp hơn tương đối nhiều. Tuy nhiên tốc độ đọc – thứ chủ yếu làm nên khác biệt của SSD so với HDD – thì vẫn khá cao. Bên cạnh đó, tốc độ đọc - ghi 4K như thế này cũng là tương đối nhanh.
AS SSD là phần mềm khắt khe nhất, luôn cho kết quả thấp nhất so với các phần mềm test khác. Tốc độ AS SSD ghi nhận tương đối giống Crystal DiskMark, chỉ thấp hơn một chút. Điểm gây chú ý ở đây là Access time của ổ: Write Access time rất thấp chỉ 0,046 ms – khá ấn tượng ngay cả so với các SSD bình thường. Trong khi đó Read Access time lại cao vọt lên 16,070 ms – ngang với các HDD thông thường. Có lẽ đây là do đặc điểm kết cấu của ổ cứng kép.
Kết quả tốc độ đọc của HD Tune: Phần SSD khoảng 375 MB/s; phần HDD từ 120 MB/s giảm dần về 5 MB/s theo dung lượng sử dụng. HD Tune cũng ghi nhận Read Access time lên tới 16,5 ms nên kết quả này có lẽ tương đối chính xác.
Cuối cùng là ATTO Disk Benchmark – một phần mềm dễ dãi cho các SSD.
Tốc độ SSD khi chứa dữ liệu
Thông thường các site đánh giá phần cứng họ chỉ test khi ổ còn trống rồi đưa ra kết luận về sản phẩm. Tuy nhiên có một vấn đề mà đa phần người dùng SSD đều biết: Dung lượng sử dụng càng lớn thì tốc độ ổ càng giảm. Có điều cụ thể sau cài hệ điều hành giảm bao nhiêu, khi ổ gần đầy giảm bao nhiêu… thì hầu như không ai biết vì các trang review đều không test phần này. Do vậy tôi thực hiện thêm các phần test sau khi ổ đã cài hệ điều hành và chứa dữ liệu. Trong phần này tôi chỉ sử dụng 3 phần mềm là AS SSD, Crystal DiskMark và HD Tune và loại bỏ ATTO Disk Benchmark vì phần mềm này không phản ánh trung thực tốc độ ổ khi chứa dữ liệu.
Đầu tiên là bench tốc độ ngay sau khi cài hệ điều hành, dung lượng bị chiếm 21 GB. Các test được cài đặt và chạy trên chính ổ WD Black2.
Tốc độ ổ không thay đổi máy, thậm chí tốc độ đọc còn… tăng lên so với khi ổ còn trống.
Giờ tôi sẽ lấp đầy 90% dữ liệu ổ SSD của WD Black2 đang chạy windows xem ổ có sụt giảm nhiều hay vẫn duy trì tốc độ:
Kết quả thật ấn tượng: AS SSD và Crystal không cho thấy dấu hiệu suy giảm tốc độ! Chỉ có HD Tune ghi nhận tốc độ đọc của phần ổ bị lấp đầy xuống còn 300 MB/s.
Tiếp tục lấp đầy 99% ổ. Lúc này dung lượng trống không đủ để chạy AS SSD, chỉ có Crystal DiskMark và HD Tune chạy được.
Đến đây có thể đưa ra kết luận: dù chứa đầy dữ liệu, tốc độ SSD của WD Black2 vẫn “như thuở ban đầu”, không bị suy giảm so với khi ổ còn trống. Đây là điều không phải SSD nào cũng làm được, dù là các ổ SSD 2,5 inch thuần.
Kiểm nghiệm hiệu năng HDD
Đầu tiên là khi ổ còn trống: Tốc độ đọc vào khoảng 128 MB/s và ghi khoảng 127 MB/s. Đây là kết quả rất đẹp đối với một ổ HDD 5400 vòng/phút dành cho laptop.
Tiếp đến là khi ổ chứa 90% dữ liệu.
Tốc độ đọc – ghi của HDD WD Black2 tụt xuống 69 MB/s. Đây vẫn là kết quả hết sức ấn tượng. Nó chỉ kém một chút so với ổ WD Black 3,5 inch dùng trong máy bàn của tôi:
Nhiệt độ hoạt động
Tôi đặt ổ WD Black2 trên mặt bàn, kín gió và không có quạt tản nhiệt nào chĩa vào. Nhiệt độ phòng lúc này là 22 độ C. Sau 20 phút copy dữ liệu vào cùng lúc cả SSD và HDD, nhiệt độ ổ lên 41 độ C.
Kết luận
Là một sản phẩm rất thú vị nhưng giá bán lẻ đề xuất tới 6.100.000 VNĐ sẽ là một rào cản khiến người dùng khó tiếp cận với WD Black2. Những ai sẽ sẵn sàng chi tiền cho WD Black2:
- Thứ nhất: Khả năng tài chính cho phép.
- Thứ hai: Laptop đang sử dụng chỉ hỗ trợ 1 ổ cứng duy nhất; máy không có ổ DVD hoặc chủ nhân của máy cần dùng ổ này.
- Thứ ba: Nhu cầu lưu trữ lớn hơn 256 GB.
Nếu không đồng thời thỏa mãn cả 3 nhu cầu trên, rất khó để người dùng chấp nhận WD Black2 bởi chỉ với 300 ngàn đồng, chúng ta đã có thể sở hữu một caddy bay để gắn thêm ổ cứng thay vào vị trí ổ DVD. Trong khi đó, đối với các Ultrabook – mảnh đất tiềm năng nhất cho WD Black2 (dành cho doanh nhân, không có ổ DVD) thì sản phẩm lại không gắn vừa.
Kì thực nghĩ kĩ thì giá của WD Black2 như thế cũng không phải bất hợp lý vì chi phí cho 1 ổ SSD 120 GB + 1 ổ HDD 1 TB + caddy bay giờ cũng đã vào khoảng 4,8 triệu đồng. Vấn đề ở đây là người dùng đã có sẵn HDD đi theo laptop, họ chỉ cần thêm phần SSD nữa mà thôi. Đó mới là khó khăn chính để WD Black2 được thị trường chấp nhận. Có lẽ WD nên xem xét hướng cung cấp cho các hãng laptop để trang bị trong các dòng máy tính xách tay cao cấp sẽ hợp lý hơn.
Tạm gác chuyện giá cả qua một bên, trên phương diện kỹ thuật WD Black2 là một sản phẩm mà tôi đánh giá cao. Hiệu năng SSD tương đối tốt và tốc độ không bị suy giảm theo dung lượng sử dụng – điều mà không ít SSD mắc phải. Bên cạnh đó tốc độ HDD cũng ấn tượng đối với một HDD dành cho laptop, đã gần tương đương với các ổ 3,5 inch dành cho máy để bàn và khi đổ đầy dữ liệu cũng không bị quá chậm.
Tuy hiện tại chưa có nhiều đất dụng võ nhưng WD Black2 đã mở ra một hướng đi mới trong việc thỏa mãn cùng lúc tốc độ và dung lượng cho máy tính xách tay. Trong tương lai nếu giải quyết được 1 trong 2 vấn đề kích thước và giá cả, các phiên bản sau của WD Black2 sẽ rất đáng để mong chờ. Sản phẩm được hưởng chế độ bảo hành 5 năm.