Có nhiều người nói WD có cách kinh doanh rất thông minh, họ tạo ra những ổ cứng giống hệt nhau và chỉ đơn giản là tùy biến firmware để tạo ra một dòng ổ cứng khác biệt hoàn toàn với giá cao hơn
Có nhiều người nói
WD có cách kinh doanh rất thông minh, họ tạo ra những ổ cứng giống hệt nhau và chỉ đơn giản là tùy biến firmware để tạo ra một dòng ổ cứng khác biệt hoàn toàn với giá cao hơn. Thực tế thì điều đó không hoàn toàn chính xác, không chỉ firmware mà một số thành phần cũng phải được tinh chỉnh để phù hợp với mục đích sử dụng của nó. Tất nhiên, nếu đi quá xa như dòng Purple chỉ tối ưu hóa cho đầu ghi an ninh thì cá nhân minh không thích lắm nhưng RED là một dòng sản phẩm cực kỳ nhanh nhạy của WD. Nó phù hợp với những ai muốn sử dụng NAS tại nhà, đặc biệt là với những hệ thống kết hợp 4 ổ cứng trở lên dùng RAID. với hệ thống kiểu này thì không ai có hiểu biết dám dùng Green hay Black mà phải chuyển sang các hệ thống tối ưu NAS như RED hoặc cao cấp hơn là RE hay Seagate Enterprise, HGST Ultrastar… Ổ cứng mà mình thử nghiệm có dung lượng 6TB, giá bán gần 10 triệu đồng ở Việt Nam. Nếu bạn muốn giá hợp lý hơn thì có thể mua loại 5TB, khoảng 7 triệu đồng.
Bài viết này được thực hiện với giả định bạn đã có kiến thức cơ bản về NAS, nếu không hiểu thì có thể đọc
tham khảo tại đây.
Tham khảo thêm về RAID ở đây, nếu dài quá thì mình có chia sẻ một chút ở dưới.
Về cơ bản, NAS là một hệ thống lưu trữ có khả năng kết nối mạng. Khi dùng NAS, bạn có thể truy xuất thông tin ở bất cứ nơi đâu chừng nào mà chúng ta còn có mạng. Về bản chất, một hệ thống lưu trữ như vậy thì tất nhiên tính an toàn của thông tin lưu trữ là quan trọng nhất, người ta phải làm mọi cách dể dữ liệu trong đó không bị mất đi kể cả khi có một ổ cứng bị hỏng, và đó là lý do mà RAID, hệ thống ghép nối nhiều ổ ra đời.
Tại sao cần ổ đĩa riêng cho hệ thống NAS?
Có nhiều loại RAID khác nhau, RAID 1 sẽ tự động ghi dữ liệu đồng thời lên các ổ cứng khác nhau để bảo đảm mỗi ổ cứng sẽ có chung một lượng dữ liệu y hệt nhau, ổ này hỏng thì có ổ khác thay thế. Đây là cách an toàn nhất nhưng nó lại làm chúng ta giảm một nửa dung lượng ổ, vì vậy người ta dùng RAID 5 xuất hiện trên các hệ thống có 4 ổ cứng trở lên. Khi đó, dữ liệu sẽ ghi vào 3 ổ và một ổ sẽ đóng vai trò dự phòng, chứa các dữ liệu để nếu ổ số 1,2 hay 3 hỏng thì nó sẽ thay thế. Khi này, bộ điều khiển RAID sẽ phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống từ đầu, tốn khá nhiều thời gian nhưng ít nhất dữ liệu của bạn vẫn được an toàn.
Tuy nhiêm, ở đây chúng ta lại xuất hiện một tình trạng khác: ổ cứng nào cũng có cơ chế sửa lỗi và nó thường kém hơn rất nhiều so với cơ chế của trình điều khiển RAID. Về nguyên tắc, mỗi khi ổ cứng lỗi thì nó sẽ tự sửa (ví dụ bị bad sector) và điều này tốn rất nhiều thời gian. Khi ổ cứng mất nhiều thời gian xử lý như vậy thì RAID Controller sẽ tưởng nó bị hỏng và đá ra khỏi hệ thống, bắt đầu xây dựng lại toàn bộ hệ thống với ổ cứng thứ 4. Điều này cũng chẳng ảnh hưởng mấy, chỉ tốn thời gian của chúng ta (có thể lên tới vài chục tiếng với những ổ 5-6TB như thế này) nhưng trong trường hợp tệ nhất xảy ra: một ổ cứng khác vô tình bị lỗi trong lúc hệ thống đang xử lý thì cái vòng lặp sẽ được kích hoạt và gần như bạn sẽ mất toàn bộ dữ liệu trong ổ NAS đó, quá tệ hại.
Để khắc phục, người ta buộc phải tạo ra những ổ cứng có thời gian check lỗi ngắn hoặc thay đổi được (WD gọi là Time Limited Error Recovery, các hãng khác có thệ gọi tên khác). Khi này, nếu trong vài giây mà ổ cứng gặp vấn đề thì RAID Controller sẽ ngay lập tức vào cuộc và xử lý, giảm thiểu khả năng mất toàn bộ dữ liệu như đã nói ở trên. Mặc định thì WD không cung cấp công cụ để điều chỉnh thời gian này trên dòng RED vì nó khá ngắn rồi nhưng bạn có thể dùng các công cụ bên thứ 3.
Đó là lý do đầu tiên chúng ta phải dùng ổ cứng dành riêng cho NAS hoặc ổ cho doanh nghiệp nếu dùng hệ thống lưu trữ tại gia. Lý do thứ 2 là các ổ NAS thường không cần nhanh mà cần tiết kiệm điện năng hơn. Nó cũng buộc phải ít rung hơn (do ghép nối nhiều ổ gần nhau), có tuổi thọ (Mean Time Between Failures - MTBF) dài hơn…. Một yếu tố khác nữa là NAS luôn phải hoạt động 24/7 chứ không được nghỉ như máy tính, do đó ổ cứng cũng phải hoạt động y hệt như vậy.
Quay trở lại RED, tất nhiên là nó có đầy đủ những tính năng trên nhưng chỉ nằm trong một khoảng nào đó phù hợp với khách hàng cá nhân chứ chưa thể đạt đến độ bền và siêu ổn định như các ổ cứng dùng cho máy chủ/doanh nghiệp vốn có giá mắc hơn nhiều lần. Dù sao thì ổ cứng RED cũng được bảo hành 3 năm, nếu mua RED Pro thì là 5 năm, cao hơn nhiều so với các ổ cứng thường của WD.
Tại sao lại làm được 6TB:
Vào năm ngoái thì người ta cứ tưởng các ổ cứng sẽ chết khi cứ dậm chân ở dung lượng tối đa 4TB trong vài năm trời. Thế rồi Hitachi GST (HGST - WD mua lại) đưa ra ổ cứng Ultrastar He6 dùng Heli để ghép được tới 7 phiến đĩa cho dung lượng 6TB còn Seagate dùng các kỹ thuật mới như shingled magnetic recording (SMR) hay heat assisted magnetic recording (HAMR). Thật kỳ là là với công ty mẹ WD thì họ lại ép được 5 phiến đĩa với mật độ 1.2TB mỗi phiến bằng công nghệ PMR truyền thống để tạo được ổ 6TB mà không cần Heli. Tuy nhiên, có vẻ như mật độ này đang gặp giới hạn và gần như chắc chắn WD sẽ phải áp dụng helium sealed hoặc SMR cho các ổ đĩa 8TB và 10TB sắp tới của họ như Hitachi hoặc Seagate đang làm.
Hiệu năng:
Quay trở lại với RED 5/6TB mà WD mới giới thiệu tháng trước ở Việt Nam, ổ cứng này được nâng cấp lên trình điều khiển NASware 3.0 với khá nhiều cải tiến mà điểm được hoan nghênh nhất là cho phép sử dụng với hệ thống 8 ổ cứng cùng lúc, điều không thể với thế hệ ổ cứng NAS dân dụng cũ, kể cả từ các nhà sản xuất khác. Mình thử nghiệm với 2 ổ 6TB và NAS WD MyCloud EX2 thì dung lượng đã lên tới 12TB (trước kia tối đa 8TB) hoặc 24TB với 4 ổ cứng, quá lớn so với nhu cầu của người bình thường. Nếu bạn giàu có thì hệ thống 6x8 = 48GB cũng không phải là không thể! Cần lưu ý là NASware 3.0 có khá nhiều nâng cấp và bạn cần kiểm tra kỹ ổ cứng sắp mua có không vì các ổ NASware 2.0 không thể nâng cấp lên 3.0, có lẽ chỉ có các ổ sau này với dung lượng cao được trang bị 3.0.
Như đã nói, ổ NAS không cần quan tâm tới sức mạnh mà cần quan tâm tới độ ồn, nhiệt độ, độ rung, tính ổn định và đặc biệt là khả năng tiết kiệm điện. Ổ 6TB của WD có tốc độ quay 5400 vòng một phút, không cao so với 7200 của các ổ cứng máy tính. Mình thử tốc độ cho các bạn xem bằng một hệ thống mạnh, giá ghép khoảng 30 triệu để không ảnh hưởng tới ổ cứng. CrystalDiskMark cho tốc độ đọc/ghi cao bất ngờ là khoảng 180MB/s sequense còn HDTune cũng đạt tốc độ tối đa 186MB/s và trung bình 136MB/s trong bài thử của nó, khá ấn tượng với một ổ cứng 5400 vòng. Một phần nguyên do tốc độ có thể đến từ việc nó có bộ nhớ đệm 64MB, bạn có thể xem các kết quả thử khác trong những hình ảnh dưới đây. Khi chạy thử với WD MyCloud EX2 thì tốc độ vào khoảng 70MBps khi thử qua LAN, cũng giống các ổ RED mình thử trước kia.