• info@manhtu.com.vn
  • (083) 9350079 - Hotline: 0912 78 79 38
  • cuu du lieu cuu du lieu
Tang toc may tinh choi game voi 2 card do hoa - Tăng tốc máy tính chơi game với 2 card đồ họa | CứuDữLiệu.com

Kiến thức tin học

Tăng tốc máy tính chơi game với 2 card đồ họa


Việc ghép 2 card đồ họa tầm trung mang lại sức mạnh không kém so với card đồ họa cao cấp. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có những ưu khuyết riêng và đòi hỏi bạn đọc am hiểu phần cứng máy tính.

hinh-1-jpg-1359368756_500x0.jpg
Đồ họa SLI trên nền tảng bo mạch chủ chipset Z77 Express.

Nâng cấp card đồ họa mạnh hơn sẽ cải thiện đáng kể khả năng xử lý của máy tính, nhất là game thủ có cơ hội “phá băng” được nhiều game hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện tài chính hạn hẹp hoặc đơn thuần là cải thiện khả năng đa xử lý đồ họa của cấu hình hiện tại, giải pháp chạy song song hai card đồ họa theo công nghệ CrossFire hoặc SLI cũng mang lại kết quả hấp dẫn không kém. Tuy nhiên, “nghề chơi cũng lắm công phu”, để hệ thống CrossFire/SLI hoạt động hiệu quả đòi hỏi người dùng phải có kiến thức và kinh nghiệm về phần cứng máy tính.

AMD CrossFire và Nvidia SLI

Về cơ bản, công nghệ CrossFire của AMD và Nvidia SLI (Scalable Link Interface) giúp máy tính chạy và tận dụng sức mạnh của nhiều card đồ họa trong các tác vụ xử lý hình ảnh, đồ họa. Hiện công nghệ này cho ghép nối tối đa 4 card trên hệ thống hỗ trợ CrossFireX/Quad SLI hoặc 3 card với hệ thống 3-way CrossFireX/SLI và 2 card với CrossFire/SLI.

Ngoài ra, còn có công nghệ đồ họa lai Hybrid CrossFire/SLI kết hợp giữa đồ họa tích hợp (IGP – Intergrated Graphic Processor) và đồ họa rời (GPU - Graphic Processor Unit) được sử dụng phổ biến trong các dòng máy tính xách tay.

DSC-0838-jpg[1258087152].jpg
Sử dụng cầu nối để kết nối 2 card đồ họa.

Cài đặt phần cứng

Việc ghép 2 card công nghệ CrossFire/SLI khá đơn giản. Sử dụng cầu nối (đi kèm bo mạch chủ hoặc card đồ họa) và kích hoạt công nghệ này thông qua trình điều khiển (driver) card. Tuy nhiên, cần kiểm tra một số điểm sau trước khi thực hiện.

Khả năng hỗ trợ của bo mạch chủ: Bỏ qua những bo mạch chủ cũ hỗ trợ chuẩn giao tiếp AGP 8x đã lỗi thời, Số Hóa chỉ đề cập đến việc nâng cấp card đồ họa chuẩn PCI Express (PCIe) x16 phổ dụng hiện nay. Cụ thể, thiết kế bo mạch chủ phải có 2 khe PCIe x16 và hỗ trợ một trong hai công nghệ CrossFire/SLI hoặc cả hai càng tốt.

Chọn bộ nguồn phù hợp: Ngoài việc đảm bảo công suất cần đáp ứng cho toàn hệ thống, bộ nguồn phải có đường cấp nguồn +12V (riêng cho card đồ họa) đạt mức khuyến cáo của nhà sản xuất. Có thể dựa vào thông số kỹ thuật của phần cứng hoặc sử dụng tiện ích như eXtreme Power Supply Calculator hoặc Thermaltake Power Supply Calculator để tính được công suất bộ nguồn cần đáp ứng.

Cap-nguon-card-do-hoa-jpg[1258087152].jp
Mỗi card đồ họa tầm trung cần đến 2 đường +12V PCIe loại 6 chân.

Bạn cũng cần kiểm tra đường cáp cấp nguồn +12V PCIe cho card đồ họa. Dòng card đồ họa phổ thông thường không yêu cầu hoặc chỉ cần một đường cấp nguồn bổ sung trong khi dòng card tầm trung cần từ một đến 2 đường +12V PCIe (loại 6 chân và 8 chân). Dòng card cao cấp cần đến 2 đường cấp nguồn loại 8 chân và đặc biệt là dòng card đồ họa hàng “đỉnh” như Asus ARES cần đến 3 đường cấp nguồn (PCIe 8 chân, một PCIe 6 chân) đạt mức 40A.

Cấu hình phần mềm

Tải về và cài đặt trình điều khiển (driver) mới nhất từ website nhà sản xuất card. Với card đồ họa AMD, khởi chạy tiện ích Catalyst Control Center ở góc phải màn hình, chọn mục Performance và đánh dấu tùy chọn Enable AMD CrossFireX để kích hoạt.

SLI-config-jpg[1258087152].jpg
Kích hoạt công nghệ SLI thông qua trình điều khiển card.

Tương tự với card đồ họa Nvidia. Khởi chạy tiện ích Nvidia Control Panel, chọn Configure SLI, Surround, PhysX trong mục 3D Settings và thiết lập như hình trên. Kế tiếp, nhấn chọn mục 3D Settings trên thanh trình đơn (menu bar) và đánh dấu tùy chọn mục Show SLI Visual Indicators; đây cũng là cách để kiểm tra phần mềm, game có hỗ trợ SLI hoặc cần cập nhật driver (hoặc profile) phù hợp.

Đánh giá hiệu năng thực tế

Từ các lưu ý trên, để bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn về hiệu năng đồ họa khi chạy ở chế độ CrossFire/SLI, Số Hóa tiến hành thử nghiệm với 2 mẫu card đồ họa GV-N66TWF2-2GD (GeForce GTX 660 Ti) trên nền tảng bo mạch chủ chipset Z77, bộ nguồn Cooler Master Real Power Pro 1250W, hệ điều hành Windows 7 Ultimate 64bit SP1 và trình điều khiển Nvidia GeForce 305.64.

Do-hoa-SLI-hinh-5%5B1258087152%5D.jpg
Kết quả 3DMark 11 giữa GeForce GTX 660 Ti cấu hình SLI so với card đơn và với 2 mẫu card cao cấp GeForce GTX 680, Radeon HD 7970GE.

Kết quả thử nghiệm cho thấy việc “ghép đôi” 2 card đồ họa tầm trung GeForce GTX 660 Ti giúp hệ thống trên dễ dàng chinh phục các phép thử theo kịch bản thử nghiệm ở độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel (full HD) cùng các hiệu ứng đồ họa thiết lập ở mức cao nhất. Chẳng hạn trong thử nghiệm khả năng xử lý đa luồng card đồ họa dựa trên công cụ 3DMark 11, GV-N66TWF2-2GD cấu hình SLI (gọi tắt cấu hình SLI) đạt 16.610 điểm phép thử Graphic và 13.371 điểm hiệu năng tổng thể ở chế độ performance. Ở chế độ extreme, kết quả đạt được lần lượt là 4.840 điểm và 5.057 điểm tổng thể. Tương tự với Heaven DX11 Benchmark v3.0, phép thử đồ họa có khá nhiều nét tương đồng với 3DMark 11 nhưng chủ yếu nhấn mạnh công nghệ tessellation trong thư viện đồ họa DirectX 11, số khung hình/giây (fps) cấu hình SLI cao hơn gấp đôi so mức chuẩn 30 fps cả ở chế độ Ultra với thiết lập đồ họa được đẩy lên mức tối đa (tessellation: extreme, shaders: high, 8xAA và 16xAF).

Do-hoa-SLI-hinh-6%5B1258087152%5D.jpg
Heaven Benchmark v3.0, phép thử đồ họa nhấn mạnh công nghệ tessellation trong thư viện đồ họa DirectX 11.

Vậy sức mạnh cấu hình SLI thật sự gia tăng bao nhiêu so với card đơn GeForce GTX 660 Ti hoặc với GeForce GTX 680 lẫn Radeon HD 7970GE? Số Hóa cũng tiến hành thử nghiệm các card đồ họa Gigabyte GV-N680OC-2GD (GeForce GTX 680) và Gigabyte GV-R797TO-3GD (Radeon HD 7970GE) trên cùng cấu hình thử nghiệm. Những điểm số đạt được cũng cho thấy sức mạnh cấu hình SLI tuy không tăng gấp đôi trong tất cả các phép thử so với cấu hình chạy một card GV-N66TWF2-2GD nhưng cũng cải thiện đáng kể. Cụ thể cũng ở độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel, các hiệu ứng đồ họa thiết lập ở mức cao nhất, kết quả 3DMark 11 (extreme) tăng 93%, Heaven DX11 Benchmark v3.0 tăng 76% và các game nền tảng DirectX 11 như DiRT 3 tăng khoảng 65%, Alien vs. Predator tăng 92% và Crysis 2 tăng 84%.

Do-hoa-SLI-hinh-7%5B1258087152%5D.jpg
Kết quả thử nghiệm các game DiRT 3, Alien vs. Predator và Crysis 2 ở độ phân giải full HD với hiệu ứng đồ họa được đẩy lên mức cao nhất.

Bên cạnh đó, GV-N66TWF2-2GD cấu hình SLI cũng thể hiện sức mạnh ấn tượng so với Gigabyte GV-N680OC-2GD (GeForce GTX 680) và Gigabyte GV-R797TO-3GD (Radeon HD 7970GE) trên cùng cấu hình thử nghiệm. Ngoại trừ Crysis 2 chỉ bằng 88% so với Gigabyte GV-R797TO-3GD thì các kết quả còn lại đều cao hơn từ 12% đến 90% tùy phép thử. Tham khảo chi tiết trong biểu đồ kết quả bên trên.

Nhiệt độ, công suất tiêu thụ

Để kiểm tra khả năng tản nhiệt card đồ họa và công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm, Số Hóa sử dụng tiện ích MSI Afterburner cùng phép thử MSI Kombustor nhằm đẩy khả năng xử lý đồ họa lên mức cao nhất dựa trên thư viện OpenGL. Nhiệt độ và công suất tiêu thụ được ghi nhận qua phần mềm GPU-z và Logger Lite trong môi trường 26 độ C. Ở chế độ không tải, nhiệt độ 2 card SLI lần lượt là 29 và 33 độ C, quạt hoạt động êm với tốc độ 1.260 rpm (vòng/phút). Mức công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm là 88,5W; tính theo trị số trung bình cộng.

Do-hoa-SLI-hinh-8%5B1258087152%5D.jpg
Bảng so sánh nhiệt độ và công suất tiêu thụ cấu hình thử nghiệm tương ứng với mỗi card. (Nhấn để phóng to ảnh)

Với phép thử “stress” MSI Kombustor giả lập tải đồ họa, nhiệt độ GPU cao nhất lần lượt là 67 và 74 độ C. Quạt vẫn hoạt động khá êm, ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường xung quanh do tốc độ quạt tăng lên 1.650 vòng/phút và 1.890 vòng/phút, công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm cũng tăng lên mức 303W; tính theo trị số cao nhất. So với Gigabyte GV-N680OC-2GD, công suất tiêu thụ của cấu hình SLI cao hơn lần lượt là 25% và so với Gigabyte GV-R797TO-3GD là 91%.

Lời kết

Mẫu card đồ họa đơn nhân cao cấp Nvidia GeForce GTX 680 hoặc AMD Radeon HD 7970GE tích hợp những công nghệ đồ họa mới sẵn sàng cùng bạn đối đầu với những game “hạng nặng” ở mức chất lượng đồ họa cao nhất. Tuy nhiên, việc “ghép đôi” 2 card đồ họa tầm trung GeForce GTX 660 Ti cũng mang lại kết quả hấp dẫn không kém với chi phí chỉ cao hơn một chút so với card đồ họa cao cấp. Vấn đề cần cân nhắc là cấu hình đa card đồ họa sẽ ngốn nhiều điện năng hơn, tỏa nhiệt nhiều hơn và không phải tất cả phần mềm, game đều hỗ trợ.

Bài và ảnh: Đông Quân


Các tin khác